TOPIK được biết đến là kỳ thi năng lực tiếng Hàn với tên gọi đầy đủ bằng tiếng Anh là Test of Proficiency in Korean. TOPIK là kỳ thi dành cho kiều bào Hàn Quốc sống ở nước ngoài và người nước ngoài, không dành cho người bản xứ. Kỳ thi gồm có 2 loại là TOPIK I gồm cấp 1,2 và TOPIK II gồm cấp 3,4,5,6. Bài thi sẽ gồm các phần nghe, đọc, viết tuy nhiên phần viết sẽ chỉ nằm trong bài thi TOPIK II, gồm 4 câu đánh số từ 51 đến 54. Phần viết sẽ có 3 dạng câu hỏi, phân bố từ dễ đến khó và cần phải trau dồi các kỹ năng để đạt được điểm số mình mong muốn.
A. Tìm hiểu về cấu trúc của phần viết
Dạng 1: Điền hai nội dung còn thiếu vào chỗ trống, tương ứng với hai câu 51 và 52.
Câu 51 đề thi viết TOPIK II kỳ 64
Câu 52 đề thi viết TOPIK II kỳ 64
Dạng 2: Viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 – 300 từ phân tích biểu đồ, tương ứng với câu 53.
Câu 53 đề thi viết TOPIK II kỳ 64
Dạng 3: Viết một đoạn văn khoảng 600 – 700 từ nêu ý kiến của bản thân về vấn đề mà đề bài đưa ra dựa vào các câu hỏi gợi ý, tương ứng với câu 54.
Câu 54 đề thi viết TOPIK II kỳ 64
B. Kỹ năng làm phần viết
Chúng ta có thể thấy ngay rằng, các câu hỏi được chia theo các mức độ từ dễ đến khó, từ đó có thể ước chừng được mình đang ở cấp độ nào. Vậy làm thế nào để chúng ta hoàn thành thật tốt bài thi viết trong thời gian chỉ vỏn vẹn 60 phút? Đó là một câu hỏi mà rất nhiều bạn đang thắc mắc đúng không ạ? Đây là một số bước đơn giản để giúp đỡ các bạn trong quá trình làm phần viết nhé!
Dạng 1: Đây là dạng dễ nhất trong phần thi Viết. Chúng ta cần luyện tập thật nhiều phần này để làm trong thời gian ngắn và đạt được điểm tối đa nhé.
- Bước 1: Xác định từ khóa chính. Từ khóa chính của chỗ trống cần điền thường xuất hiện ngay trong đề bài, được nhắc đến nhiều nhất.
- Bước 2: Đọc lại câu trước và câu sau chỗ trống cần điền để nắm bắt được nghĩa của phần mình cần điền.
- Bước 3: Tìm ngữ pháp hợp lý để kết nối từ ngữ cũng như câu trong đề cho hoàn chỉnh.
Dạng 2: Đây là dạng tuy không dễ làm nhưng nếu biết làm thì không khó để đạt điểm tốt. Dạng này không cần bạn phải suy nghĩ quá nhiều, chỉ cần làm theo trình tự, trình bày rõ ràng, mạch lạc là ăn được điểm rồi.
- Bước 1: Nhìn qua một lượt những con số và xác định biểu đồ thể hiện vấn đề gì. Vạch nhanh ra những phần chính trong bài.
- Bước 2: Nhận xét số liệu từ số thấp đến cao hoặc ngược lại dựa vào đề bài. Sau đó là phần rút ra sự biến đổi mà mình nhìn thấy qua từng giai đoạn hay mốc thời điểm và đưa ra nhận xét tại sao lại có sự thay đổi như vậy.
- Bước 3: Kết bài. Nhắc lại chủ đề bàn đến và đưa ra câu kết tổng quát nhất sau khi mọi người nhận xét và viết phần luận ở thân bài.
- Lưu ý: Với bài có câu trả lời theo điều tra hay khảo sát mà không phải là con số cụ thể thì nên xem đề đang hướng đến mục đích so sánh hay tìm phương án giải quyết để trình bày theo đúng hướng đề bài.
Dạng 3: Đây là dạng bài khó nhất, cũng là dạng bài để phân biệt rõ nhất trình độ của bạn đang ở mức bình thường hay có thể vận dụng cao. Dạng này không cần phải viết quá bay bổng, hoa mỹ nếu thật sự cách sử dụng từ ngữ của bạn chưa thành thạo như người bản ngữ. Tốt nhất nên viết chính xác, đơn giản nhưng mà nội dung vẫn truyền tải hết ý muốn nói là điều cần thiết nhất. Nên sử dụng đầy đủ những kiến thức sơ cấp, trung cấp và cao cấp.
- Bước 1: Lập dàn ý: Một bài viết cần đáp ứng đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Phần mở bài giới thiệu vấn đề cần triển khai; thân bài phân tích vấn đề dựa vào câu hỏi gợi ý, triển khai thành các đoạn, mỗi đoạn là một luận điểm nhỏ theo từng câu hỏi cho trong đề bài và sau các luận điểm nên có những tiểu kết; kết bài nhận xét vấn đề, nêu bài học rút ra hoặc kết hợp so sánh nâng cao với những vấn đề bên ngoài.
- Bước 2: Viết bài: Viết bài dựa trên dàn ý đã lập. Trong bài viết, bạn nên sử dụng những câu thành ngữ, tục ngữ tiếng Hàn khi viết bài này để người chấm thi thấy được sự am hiểu của bạn về ngôn ngữ Hàn Quốc.
- Lưu ý: Chỉ sử dụng một đuôi câu và phải sử dụng đuôi câu văn viết, không sử dụng đuôi văn nói.
Trên đây là cấu trúc của phần thi viết trong bài thi TOPIK II và cách làm 3 dạng bài thi viết trong đề thi Topik II. Thoạt nhìn, ta sẽ thấy phần thi viết khá ngắn nhưng đó lại là phần vô cùng quan trọng, là công cụ giúp người chấm thi đánh giá được năng lực thật sự của người thi. Bạn nên học cách phân chia thời gian hợp lý, áp dụng những bước làm trên để bài thi đạt được kết quả tốt nhé. Trong quá trình ôn thi, bạn nên mua thêm những tài liệu, giáo trình để học thêm và luyện đề thật nhiều để đạt được kết quả mong muốn trong kì thi sắp tới nhé!