Hàn Quốc là một đất nước sở hữu bề dày truyền thống đáng kinh ngạc. Trong quá trình phát triển đất nước, những nét văn hóa, các ngày lễ truyền thống vẫn được bảo tồn và hiện hữu trong đời sống hàng ngày của người dân xứ sở Kim Chi. Những lễ hội truyền thống ở Hàn Quốc được tổ chức quanh năm trên khắp cả nước, thu hút rất nhiều du khách quốc tế đến vui chơi và tìm hiểu văn hóa lâu đời của đất nước mình.
Lễ hội ở Hàn Quốc không chỉ đơn giản để vui vẻ và giải trí, mà còn là dịp để bạn đắm mình vào văn hóa bản xứ. Sau đây hãy cùng KORIN điểm qua 5 ngày lễ lớn của Hàn Quốc nhé!
1. Tết Nguyên Đán (설날) ngày 1/1 Âm lịch
Đối với người Hàn Quốc, Tết Nguyên Đán không chỉ là đánh dấu một năm mới, đây còn là dịp đặc biệt để người Hàn Quốc nhớ về tổ tiên và gặp gỡ những thành viên trong gia đình. Trong những ngày Tết truyền thống, người Hàn Quốc thường mặc Han-bok (한복 – trang phục truyền thống của người Hàn Quốc), thực hiện các nghi lễ của tổ tiên, chơi các trò chơi dân gian, ăn các món ăn truyền thống, nghe kể chuyện và gặp gỡ mọi người.
Bộ Han-bok truyền thống của người Hàn Quốc
Các món ăn ngày Tết đối với người Hàn Quốc đặc biệt quan trọng. Các gia đình thường mất cả ngày trước Tết để chuẩn bị thực phẩm dùng làm đồ cúng cũng như để ăn uống cho gia đình. Người Hàn Quốc tin rằng đồ thờ cúng ngon và trình bày đẹp sẽ làm hài lòng ông bà tổ tiên hơn, do đó mà họ rất cẩn thận trong việc chuẩn bị đồ cúng. Có khoảng 20 loại món ăn khác nhau được bày trên bàn thờ, tùy theo vùng miền mà các món có thể khác nhau, trong đó không thể thiếu món Ttok-kuk (떡국 – canh bánh gạo), được nấu từ nhiều lát bánh gạo với niềm tin sẽ mang lại nhiều may mắn trong năm mới.
Ttok-kuk (떡국 – canh bánh gạo) / Nguồn ảnh: Kênh 14
Buổi tối cuối cùng trước đêm giao thừa, họ thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Lúc giao thừa, họ thường đốt những thanh tre ở trong nhà với quan niệm để xua đuổi tà ma. Những ngày Tết, trước cửa mỗi nhà người Hàn Quốc đều treo một cái xẻng bằng rơm hay còn gọi là vật treo phúc bokjori (복조리) với một ý nghĩa là hốt thóc gạo rơi vãi ngoài cửa, nhận được phúc lộc quanh năm.

Xẻng bằng rơm hay còn gọi là vật treo phúc bokjori (복조리) / Nguồn ảnh: aFamily.com
Sáng mùng 1 Tết, người Hàn có phong tục tắm rửa vệ sinh sạch sẽ, mặc trang phục cổ truyền, sau đó tiến hành nghi lễ cúng Tổ tiên gọi là Chesa do trưởng nam trong gia đình đứng ra làm lễ. Sau lễ Chesa là lễ Seba, con cháu bái lạy ông bà, cha mẹ với ý nghĩa chúc mừng năm mới và chúc may mắn. Ông bà, cha mẹ sẽ thưởng tiền hoặc vàng, ngọc hay một món quà quý nào đó. Tiếp đến, sau bữa cơm ngày mùng 1, họ sẽ đi chúc tết người thân, hàng xóm, đi thăm mộ tổ tiên hoặc tới những ngôi đền, chùa để cầu nguyện.
2. Tết Trung thu (추석) ngày 15/8 Âm lịch
Tết Trung Thu (Chu-seok) là một trong những ngày Tết lớn nhất và rất đỗi quan trọng với người Hàn Quốc. Ngày này là ngày để gia đình đoàn tụ dù các thành viên có ở xa đến mấy, mọi người cũng cố gắng tụ họp về nhà để có thể cùng ngồi chuyện trò ăn uống và tận hưởng thành quả của vụ thu hoạch duy nhất trong 1 năm.
Vào buổi sáng trong ngày lễ Chuseok, các thành viên gia đình quây quần tại nhà để làm lễ Charye (차례) – lễ cúng gia tiên. Các món ăn được sửa soạn với nguyên liệu tươi ngon từ vụ mùa trong năm, được bày biện đẹp mắt, thông thường bao gồm trà, rau củ, canh, cơm và thịt. Từng thành viên trong gia đình, lần lượt theo thứ tự từ lớn đến bé lễ bái thần linh và tổ tiên. Sau lễ cúng, mọi người cùng nhau thưởng thức những món ăn ngon.
Songpyeon (송편) là một trong những món ăn đặc trưng của ngày lễ Chuseok, món này được nhồi nhân ngọt như hạt vừng, mật ong, hạt dẻ và bột đậu đỏ, là món ăn không thể thiếu trong dịp lễ Chuseok.
Bánh Songpyeon (송편)
Ngoài các món ăn ngon, người Hàn Quốc cũng thích các hoạt động văn hóa. Điệu múa Ganggangsullae (강강술래) là điệu múa dân gian truyền thống tiêu biểu trong lễ Chuseok. Các cô gái mặc Hanbok, tụ tập dưới ánh sáng của đêm trăng rằm, nắm tay nhau thành vòng tròn, ca hát và nhảy múa theo các giai điệu hoài cổ. Trong khi đó, những người đàn ông hay thậm chí một số phụ nữ cùng tham gia thi đấu vật Ssireum (씨름). Chuseok là dịp để mọi người dành thời gian cho gia đình, cùng thưởng thức các món ăn truyền thống, các trò chơi và cúng bái tổ tiên.
3. Ngày lễ Hangul (한글날) ngày 09/10 Dương Lịch
Ngày lễ Hangeul 9/10 là ngày kỷ niệm Vua Sejong Vĩ đại phát minh và công bố chữ Hangeul (한글) – chữ viết chính thức của tiếng Hàn. Vào năm 1997, chữ Hàn Hangul được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, được đánh giá là chữ viết mang tính logic và khoa học nhất thế giới.
Vào năm 2013, ngày Hangul được Chính phủ Hàn Quốc phê duyệt chính thức trở thành ngày lễ quốc gia ở Hàn Quốc. Hằng năm có rất nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức để chào mừng ngày lễ này.
Ngày Hangul được tổ chức vào 9/10 ở Hàn Quốc và 15/1 ở Triều Tiên.
4. Ngày Quốc Khánh (광복절) ngày 15/8 Dương lịch
Ngày Quốc Khánh Hàn Quốc (hay còn gọi là ngày Giải Phóng, ngày Quang Phục) có tên tiếng Hàn là Gwangbokjeol (광복절) diễn ra vào ngày 15 tháng 8 hàng năm. Khi ngày lễ diễn ra sẽ có rất nhiều sự kiện và hoạt động diễn ra ở khắp nơi mọi miền đất nước ở đây. Mọi nhà, mọi nơi đều treo quốc kỳ Hàn Quốc. Người dân nơi đây đổ xô xuống đường với quốc kỳ trên tay, quần áo lịch sự, trang nghiêm hoà mình tham dự vào ngày lễ.
Nguồn ảnh: baotintuc.vn
Nhiều khu vực trung tâm tại Hàn chúng ta còn có dịp chiêm ngưỡng các sự kiện với nhiều đám đông tụ tập, reo hò cùng với tiếng trống hào hùng, kết hợp với những điệu nhảy trong trang phục truyền thống Hanbok của Hàn Quốc. Nhiều trải nghiệm văn hoá khác nhau thu hút nhiều người tham gia như: làm chong chóng hình cờ Hàn Quốc, viết thư pháp, vẽ tranh biếm hoạ, lễ hội ẩm thực đường phố,.. Đặc biệt, khi bạn đi các tuyến đường sắt quốc gia và xe buýt khu vực Seoul hay trong khu vực tỉnh Gyeonggi vào ngày này sẽ đều được miễn phí hoàn toàn. Tham quan tại khu di tích như các cung điện, viện bảo tàng và công viên quốc gia,… cũng đều miễn phí vé vào.
5. Lễ Phật Đản (석가탄신일 / 부처님 오신 날) ngày 8/4 Âm lịch
Phật Giáo là tôn giáo lớn nhất ở Hàn Quốc. Chính vì thế, ngày Lễ Phật Đản cũng chính là ngày nghỉ lễ quốc gia của đất nước này. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào ngày 8/4 (Âm lịch) để tỏ lòng tôn kính với sự ra đời của Đức Phật. Công tác chuẩn bị sẽ diễn ra trong một vài tuần bằng việc treo những chiếc đèn lồng hình hoa sen khắp Seoul. Khi lễ hội chính thức bắt đầu, Jangeumdang – chiếc đèn lồng lớn biểu tượng cho Phật giáo và sự ra đời của Đức Phật sẽ được thắp sáng, Hoạt động tưởng niệm này tiếp tục diễn ra với một loạt chương trình và hoạt động của các tín đồ Phật giáo trước khi kết thúc bằng màn rước đèn lồng ấn tượng.
Lễ Phật Đản ở Hàn Quốc / Nguồn ảnh: phatgiao.org.vn
Cũng giống như Việt Nam, Hàn Quốc là quốc gia có hệ thống ngày lễ vô cùng đa dạng, đây là dịp để mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, cùng ăn uống vui chơi sau những bộn bề làm việc và học tập. Nếu có cơ hội đến đây bạn hãy thử trải nghiệm một trong những ngày lễ nổi tiếng của đất nước xinh đẹp này nhé.