Mỗi khi nhắc đến ngôn ngữ thì ngữ pháp là một nhánh cực kỳ quan trọng mà người học không thể bỏ qua. Nếu chúng ta có một rổ từ vựng trong tay nhưng lại không biết đặt câu với những từ vựng ấy thì có nhồi bao nhiêu từ vựng vào nữa cũng chả có nghĩa lý gì. Thử tưởng tượng mỗi từ vựng là một viên gạch thì ngữ pháp chính là loại xi măng bền chắc nhất giúp kết dính các viên gạch từ vựng lại với nhau, xây nên ngôi nhà với nền móng vững vàng. Tiếng Hàn cũng tương tự như vậy. Ngữ pháp tiếng Hàn khá đa dạng và được phân chia thành nhiều cấp độ từ sơ cấp, trung cấp đến cao cấp nhưng những ngữ pháp cao cấp không có tính ứng dụng cao trong đời sống. Có thể nói, thông thạo các ngữ pháp sơ cấp và trung cấp trong tiếng Hàn được xem như là đã có đủ công cụ cần thiết để sử dụng loại ngôn ngữ này ở hầu hết mọi lĩnh vực trong đời sống, chưa nói đến từ vựng ở các lĩnh vực chuyên ngành. Hiểu được tầm quan trọng của việc học ngữ pháp là thế, nhưng cách học máy móc hiện nay khiến người học không hiểu sâu từ đó việc ghi nhớ cũng trở nên khó khăn hơn. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng KORIN tìm hiểu về phương pháp học “bóc tách” ngữ pháp để việc học dễ dàng hơn bao giờ hết!
Trước tiên, hãy cùng nhìn lại một chút, chúng ta đã “học vẹt” ngữ pháp như thế nào? Ắt hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng đọc ê a một câu ngữ pháp tiếng hàn và lặp lại nghĩa của nó như những chú vẹt. Có người lại dành hàng giờ đồng hồ để đặt câu với ngữ pháp ấy cho nhớ cách dùng. Đây cũng là một cách, nhưng cách này chưa đủ tốt. Việc không hiểu sâu từng thành phần trong một ngữ pháp khiến chúng ta không hiểu được bản chất của nó, lại càng không thể “tự tái tạo” lại ngữ pháp trong đầu khi chúng ta vô tình quên mất. Từ đó dẫn đến việc thiếu linh hoạt trong việc học ngôn ngữ và khiến chúng ta dễ dàng bỏ cuộc khi liên tiếp quên những ngữ pháp tưởng chừng như đã rất quen thuộc. Cách học thông minh chính là tận dụng bộ não để hiểu cặn kẽ ngữ pháp ấy được tạo nên như thế nào để khi chúng ta không nhớ hoặc chỉ nhớ một phần của ngữ pháp thì vẫn có thể tự cấu thành ngữ pháp ấy một cách chính xác và hợp logic.
Phương pháp “bóc tách” ngữ pháp chính là tách ngữ pháp ra thành các từ hoặc cụm từ có nghĩa, hiểu rõ các từ hoặc cụm từ đó rồi ghép trở lại thành ngữ pháp hoàn chỉnh như ban đầu. Sau khi ghép trở lại, chúng ta sẽ đặt câu và dịch theo nghĩa đen của các từ hoặc cụm từ đã được tách trước đó, từ đó suy ra nghĩa hoàn chỉnh của ngữ pháp, cũng chính là nghĩa mà chúng ta thường đọc hoặc thường được dạy. Cùng KORIN “bóc tách” 2 ngữ pháp đầu tiên theo trình độ sơ cấp nhé!
1. Ngữ pháp 는/(으)ㄴ/(으)ㄹ 것 같다
Ngữ pháp 는/(으)ㄴ/(으)ㄹ 것 같다
는/(으)ㄴ/(으)ㄹ 것 같다 đi sau động từ và (으)ㄴ/(으)ㄹ 것 같다 đi sau tính từ có nghĩa tiếng Việt là: “Hình như là…, Có lẽ là…, Trông giống như…” dùng để thể hiện suy đoán của người nói, có thể có cơ sở hoặc chủ quan. Khi tách ngữ pháp này từ trái sang phải, trước hết, có thể thấy cấu trúc 는/(으)ㄴ/(으)ㄹ 것 khi kết hợp nâng cao với các định ngữ thì quá khứ hoặc tương lai sẽ có nghĩa là “việc mà…đã/sẽ…” và tính từ 같다 có nghĩa là “giống như, tựa như”. Ghép lại thành ngữ pháp như ban đầu, chúng ta có thể dịch nghĩa đen: “…giống như việc mà…”. Thử đặt ví dụ nhé!
가: 마리아 씨는 결혼했어요? Maria đã kết hôn rồi à?
나: 손에 반지를 낀 걸 봤어요. 아마 결혼한 것 같아요. Mình đã thấy tay (của Maria) đeo nhẫn. Giống như việc (cậu ấy) đã kết hôn rồi vậy.
Bước 1: dịch nghĩa đen khi tách => “Có lẽ Maria đã kết hôn rồi.”
Bước 2: chuyển sang nghĩa gốc của ngữ pháp sẽ dễ nhớ và nhớ lâu hơn.
Rõ ràng, đối với câu “Giống như việc đã kết hôn rồi” chúng ta có thể dịch ngược lại được ngữ pháp ngay lập tức còn câu “Có lẽ Maria đã kết hôn rồi” thì chưa chắc dịch được ngay đối với những người mới học ngữ pháp nhưng lại học một cách máy móc, học vẹt.
2. Ngữ pháp 기로 하다 / 결정하다
Ngữ pháp 기로 하다
기로 하다 / 결정하다kết hợp sau các động từ, có nghĩa tiếng Việt là: “…quyết định (làm gì)”. Bắt đầu tách ngữ pháp từ trái sang phải ta có cấu trúc thêm 기 vào động từ để biến động từ thành danh từ mang nghĩa “việc…”, cấu trúc diễn tả phương hướng (으)로và động từ 하다 / 결정하다nghĩa là “làm”, “quyết định”. Ghép lại thành ngữ pháp như ban đầu, chúng ta có thể dịch nghĩa đen: “…làm/quyết định theo hướng việc…”. Cùng xem ví dụ bên dưới nhé!
가: 초콜릿을 먹을래요? Cậu ăn chocolate nhé?
나: 미안해요. 요즘 살이 쪄서 단것을 안 먹기로 결정했어요. Xin lỗi nha. Dạo này mình bị tăng cân nên bắt đầu từ hôm nay mình đã quyết định theo hướng không ăn đồ ngọt nữa.
Bước 1: dịch nghĩa đen khi tách => “Mình đã quyết định không ăn đồ ngọt nữa.”
Bước 2: chuyển sang nghĩa gốc của ngữ pháp sẽ dễ nhớ và nhớ lâu hơn.
Độ phức tạp và đa dạng của ngữ pháp tiếng Hàn khiến những người dù đã học lâu rồi hay mới học sẽ cảm thấy khó khăn ít nhiều trên hành trình chinh phục thứ ngôn ngữ xinh đẹp này. Nhưng khó không phải là không có cách. Cách học “bóc tách” ngữ pháp là phương pháp vô cùng hiệu quả trong việc phát triển trí não và tư duy logic, không gây áp lực cho hệ thống trí nhớ ngắn hạn mà chính là để bộ não tự tái tạo lại ngữ pháp ngay cả khi chúng ta quên, chỉ cần hiểu rõ bản chất vấn đề là đã có thể ghi nhớ lâu. Trong bài viết lần này, KORIN chỉ tạm dừng ở việc giới thiệu phương pháp học và áp dụng mẫu vào 2 ngữ pháp, nếu các bạn thích cách học này hãy chia sẻ rộng rãi cho nhiều bạn bè đang học tiếng Hàn của mình và đón chờ những phần tiếp theo nhé!