Hàn Quốc từ lâu đã là một tượng đài của sự nhộn nhịp và thịnh vượng nhờ quá trình lao động không ngừng nghỉ cũng như phát triển tự thân. Sự nhộn nhịp, năng động của đất nước mang tên thủ đô Seoul này đã khiến nhịp sống của những con người nơi đây cũng trở nên vội vã và hối hả theo thời gian. Chính cuộc sống thường nhật này đã hình thành cái nôi văn hóa của một đất nước, vì thế Hàn Quốc có văn hóa paily paily (nhanh nhanh) – một nét văn hóa rất đặc trưng và phản ánh rõ tính chất đời sống của người Hàn. Vì cuộc sống ở Hàn Quốc lúc nào cũng “nhanh nhanh” nên những lời nói cũng mang sắc thái tương tự, trong đó 자마자 và 는 대로 (“ngay sau khi…”) là hai ngữ pháp thể hiện rõ nét nhất và cũng là những ngữ pháp được sử dụng nhiều trong đời sống. Thế nhưng chính vì nét tương đồng về nghĩa mà việc phân biệt hai ngữ pháp này khá khó khăn cho những người mới học tiếng Hàn. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn cách dùng của hai ngữ pháp này nhé!
1. Cách dùng
- Ngữ pháp 자마자: gắn sau động từ hành động mang ý nghĩa diễn tả sau khi một hành động nào đó diễn ra thì có một hành động khác diễn ra ngay sau đó.
– Ví dụ:
밥을 먹자마자 이를 닦았어요. Vừa ăn cơm xong là đánh răng ngay.
수업이 끝나자마자 모두 나갔어요. Ngay sau khi lớp học kết thúc, tất cả đã ra ngoài.
- Ngữ pháp 는 대로: cũng có cách dùng tương tự, gắn sau động từ hành động, dùng để diễn tả một việc hay một hành động, động tác nào đó xảy ra thì nối tiếp theo sau là một việc khác xảy ra.
– Ví dụ:
건강이 좋아지는 대로 출근하겠습니다. Tôi sẽ đi làm ngay khi sức khỏe tốt hơn.
월급을 받는 대로 부모님 선물을 살 거예요. Tôi sẽ mua quà cho bố mẹ ngay khi nhận được lương.
2. So sánh
Xét về mặt ý nghĩa thì hai ngữ pháp này đều mang ý nghĩa như nhau nhưng cách dùng sẽ có khác biệt đôi chút, nếu những người mới học tiếng Hàn không tìm hiểu kĩ thì sẽ rất dễ dùng sai, dẫn đến việc mất nền tảng cho quá trình học ngữ pháp sau này. Sau đây là bảng so sánh hai ngữ pháp 자마자 và 는 대로 , hãy cùng xem kĩ nhé!
- Điểm giống nhau: Gắn sau động từ hành động, cùng dùng để diễn tả một hành động hoặc động tác xảy ra thì tiếp theo sau đó có một hành động hoặc động tác xảy ra.
- Điểm khác biệt:
Điểm khác biệt giữa 2 ngữ pháp
– Ví dụ: (về mặt ngữ nghĩa)
집에 가자마자 메일을 보냈어요. Tôi đã gửi mail ngay khi về nhà.
집에 가는 대로 매일을 보낼 거예요. (hành động về nhà có thể chưa chấm dứt nhưng trong lúc đó sẽ gửi mail, có thể hiểu là gửi mail trên đường về)
– Ví dụ: (về mặt các thì)
밖에 나가자마자 비가 내리기 시작했다. (đúng)
밖에 나가는 대로 비가 내리기 시작했다. (sai)
3. Câu chuyện văn hóa
Người Hàn Quốc hay dùng ngữ pháp “ngay sau khi” để diễn tả quyết tâm làm việc của mình, “ngay sau khi làm xong việc này tôi sẽ làm qua việc khác ngay”, diễn tả đặc trưng văn hóa paily paily (nhanh nhanh) của người Hàn. Vì vốn dĩ đối với người Hàn Quốc, từ “chậm trễ” không nằm trong từ điển của họ. Thế nhưng, không phải ai cũng thích nét văn hóa này, kể cả những người đang sống trên chính mảnh đất Hàn Quốc phồn vinh. Có người cho rằng nét văn hóa này khiến những người trẻ sống nhanh, gánh trên vai nhiều áp lực dẫn đến stress và trầm cảm. Một số khác lại cho rằng chỉ cần biết cân bằng cuộc sống, sắp xếp thời gian và công việc hợp lý thì vẫn có thể tận hưởng cuộc sống đúng nghĩa. Nhưng dù có như thế nào thì cũng không thể phủ nhận văn hóa “nhanh nhanh” chính là chìa khóa dẫn Hàn Quốc đến sự phát triển thịnh vượng như ngày hôm nay. Cho đến tận bây giờ, paily paily vẫn là một văn hóa mà đa số người Hàn Quốc vẫn luôn tự hào khi nhắc đến và nét văn hóa này đã thấm nhuần vào tư tưởng của họ trong công việc, tình yêu và đời sống sinh hoạt, nhất là trong cách dùng ngôn ngữ – tiếng nói chung của toàn dân tộc.
Ngữ pháp 자마자 và 는 대로 thoạt nhìn có vẻ chỉ là những ngữ pháp thông thường nhưng nếu biết cách phân biệt và cách dùng sao cho hay có thể giúp người học ghi điểm trong mắt người bản xứ. Không những thế còn giúp củng cố nền tảng ngữ pháp vững vàng và hiểu thêm về một nét văn hóa đặc trưng của đất nước xinh đẹp này. Qua những bài viết về ngữ pháp như thế này, ta lại càng thấy tiếng Hàn dễ học hơn đúng không nào!